Giáo dục hiện đại

Ngược lại với mô hình giáo dục cổ truyền, J.Dewey gọi mô hình giáo dục trong phong trào cải cách giáo dục tại Mỹ cuối thế kỷ 19 là “giáo dục hiện đại”, “giáo dục tiến bộ”. Giáo dục hiện đại khởi đi từ kinh nghiệm hiện tại của chính người học, chứ không phải của người lớn, không phải của người thầy.

Kinh nghiệm của học sinh lại phụ thuộc vào lứa tuổi, vào môi trường xung quanh nơi các em sinh sống. Một học sinh ở thành phố sẽ có những kinh nghiệm khác với học sinh ở nông thôn, vì bối cảnh vật chất, xã hội xung quanh, những con người các em thành thị tiếp xúc thường ngày khác với những gì học sinh nông thôn thường gặp...

Nội dung chương trình giảng dạy phải được thiết kế từ những kinh nghiệm này, do vậy, nó phải là mỗi nơi phải mỗi khác, hình thức sư phạm mỗi nơi cũng phải mỗi khác. Hay nói cách khác, không thể áp đặt một chương trình quốc gia chi tiết chung cho tất cả học sinh của tất cả các nơi, không thể áp dụng một hình thức phương pháp sư phạm cho tất cả các học sinh.

Người Phần Lan thành công trong giáo dục hiện nay là nhờ áp dụng nguyên tắc này, nội dung chương trình, phương pháp sư phạm trong nhà trường, nhất là trường tiểu học không những dựa vào từng lứa tuổi, từng vùng địa lý với môi trường văn hoá xã hội khác nhau, mà thậm chí tuỳ vào thể trạng, năng khiếu của từng học sinh. Uỷ Ban Giáo dục Phần Lan có đưa ra một chương trình khung quốc gia, nhưng chỉ là những nét rất chung, quy định một cách tổng thể các mục tiêu giáo dục được in trong chưa đến chục trang giấy, còn việc bằng con đường nào để đạt được mục tiêu đó là việc của các trường, là việc của từng giáo viên đứng lớp.